top of page

Anh tôi.

Ngọc Thọ

MC75

Cuộc sống mỗi con người luôn gắn liền với kỷ niệm của khoảng đời dấu yêu. Thời thơ ấu tôi rất khắn khít với người anh ruột thịt đã rời bỏ tôi để về một nơi miên viễn nào đó. Tuy không còn hiện hữu ở cõi đời này nhưng hình ảnh anh Ba tôi, cùng những trò chơi của chúng tôi sống mãi trong ký ức tôi.


Ngày ấy… tại ngôi biệt thự cổ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận Năm, khi chúng tôi đang học tiểu học tại trường Ecole Française de Cholon – Annexe Jean-Jacques Rousseau.

Anh tôi thường dẫn dắt tôi vào những trò chơi của con trai như thả diều, bắt dế...


Con diều giấy của chúng tôi là tác phẫm của những tờ nhựt trình "Chính Luận" được cắt tỉ mỉ và ghép lại. Đầu diều hình vuông được chêm cứng bắng những cây tăm nhang dán lên trên theo hình chữ thập, chúng tôi ghép đuôi diều bằng những mãnh giấy dài được dán lại bằng cơm nguội. Chúng tôi thường cặm cụi suốt cả buổi để làm diều, đôi khi quên cả bài cô giáo cho về nhà làm. Khi diều đã thành hình, chúng tôi cột nó bằng sợi chỉ dày cuốn vào cái lon sữa bò để mang đi thả. Thường thường tôi theo anh tôi để nâng đuôi diều lên, anh tôi nhắm hướng gió nhả từ từ sợi chỉ để cho diều bay cao. Khi con diều đã chễm chệ ở trên không thì phận sự của tôi đã hết, tôi tiếp tục lẽo đẽo chạy theo anh tôi để ngắm nó.



Vào mùa mưa anh tôi thường dẫn tôi đi bắt dế. Chúng tôi lùng sục từng lùm cây để bắt dế và nhốt nó trong cái hộp thiếc tôi mang theo.Về tới nhà anh tôi tuyển và giữ lại mấy chú dế lữa. Xong rồi ngắt đầu con dế mái cắm vào cây nhang để chọc mấy anh chàng kia. Tôi thường núp sau lưng anh tôi, với cảm giác vừa vui vừa sợ khi nhìn chú dế nổi giận gáy te te vổ phồng đôi cánh, nhe cặp càng đen thùi ra . Đôi khi chiến lợi phẩm của anh tôi là những con dế cơm to tổ bố. Anh tôi dạy tôi nhặt que khô để nướng dế và chúng tôi ăn liền tại chỗ. Tôi rất sợ mấy chú dế cơm vì có một lần tôi bị nó đá vào tay đau điếng. Rất tiếc hầu như tôi không còn gặp lại loài dế này nữa.


Tôi cũng không quên những lần anh tôi dẫn tôi đi coi hát cọp ở rạp hát Palace sát bên nhà. Vì chúng tôi nhỏ như ốc tiêu nên khỏi phải mua vé xem hát, chỉ cần có người lớn dắt chúng tôi vào rạp là chúng tôi được xem phim. Với sự đồng ý của anh tôi, tôi chọn chiếc áo đầm đẹp nhất để diện lên, còn anh tôi thì đóng bộ veston rất kẻng, ăn cắp brillantine của người lớn, chải mái tóc thành cái lưỡi mèo cong cong rồi nắm tay dẫn tôi ra khỏi nhà. Khi gần đến rạp, anh tôi quan sát coi có một cặp vợ chồng nào đang chuẩn bị mua vé vào cửa rồi hai đứa bấm nhau đi theo họ đến trước quầy bán vé. Chờ họ mua xong, chúng tôi nhoẻng miệng cười làm duyên và đưa bàn tay nhỏ xíu ra cho họ nắm. Thường thường họ tức cười khi cúi xuống thấy chúng tôi và biết được ý hai đứa bé muốn xin vào xem hát. Đôi lúc họ lại xoa đầu và nựng nịu chúng tôi. Dĩ nhiên là có người lớn dẫn vào, chúng tôi không gặp khó khăn chút nào với người soát vé. Vào trong rạp chúng tôi núp trong tấm màn nhung ở hai bên cánh cửa, đợi đèn tắt, phim bắt đầu chiếu là ra tìm ghế trống ngồi và bình yên xem hết cuốn phim. Trên đường đi về nhà thế nào anh tôi cũng ghé mua cho tôi bịt xi-rô đá nhận để tôi kê hàm răng sún của tôi vào hút một cách say mê.


Khi lớn lên, với thời cuộc, cảnh nhung lụa vàng son đã giã từ gia đình chúng tôi ra đi. Để nhường lại những nhọc nhằn chạy ăn đắp đổi sống qua ngày như mọi người bình thường khác. Tuy nhiên tình thương yêu anh em chúng tôi vẫn đậm đà. Chúng tôi tiếp tục nhường nhịn cho nhau từng hạt cơm manh áo cùng những cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống.


Thường anh tôi rất cứng rắn và lần đầu tiên tôi thấy anh tôi sụt sùi khóc là lúc anh tôi tiễn tôi đi Pháp. Anh chỉ vỏn vẹn nhắn nhủ : "Em hãy cố gắng nuôi dạy cháu của anh nên người" xong rồi lặng lẻ bước đi. Tôi thu hình lần chót hình ảnh quen thuộc gầy còm của anh mình mang theo làm hành trang cho chuyến đi xa về chân trời khác. Tôi không rơi nước mắt như anh tôi nhưng trong lòng tôi đã chết điếng vì cảnh chia ly.


Quê hương tôi đành bỏ lại khi tôi chấp nhận ra đi vì mưu cầu cuộc sống. Trong đó mỗi ngày, mỗi giờ nơi xứ người, những kỷ niệm với người thân luân lưu quay về, cho tôi nỗi dằn xé, nhớ thương không nguôi.


Tôi càng nhớ tới anh tôi khi đặt chân lên đất Pháp. Những gì chúng tôi học ở trường bỗng quay về, từ bài thơ học thuộc lòng, lịch sử, địa lý nước Pháp mà chúng tôi đeo đuổi học từ tấm bé cho tới lớn đã mở rộng tầm nhìn cho tôi. Còn anh tôi vẫn miệt mài với từng cuốc xích-lô ở quê nhà nhưng vẫn không quên mang trong mình quyển tiểu thuyết Pháp để đọc mỗi khi đón khách. Đó là những quyển sách anh tôi đã mua lúc còn học trung học ở trường Jean-Jacques Rousseau.


Tôi ước ao sẽ làm giấy bảo lãnh cho anh tôi được qua Pháp chơi để được tận mắt trông thấy những gì mình đã học được ở trường, nhưng thủ tục cấp chiếu khán nhập cảnh quá gay gắt nên đành bó tay. Để rồi cả đời anh tôi vẫn không nhìn được đất nước và nền văn minh mình chỉ được biết qua sách vỡ từ thuở bé thơ. Cơn bạo bệnh đã đến cướp mất anh tôi lúc tuổi đời còn trẻ.


Tôi được nghe kể lại, trước giây phút lâm chung, anh tôi vẫn không chịu thư thả ra đi, mà cứ dằn vặt, hỏi bao giờ cô Tư sẽ về, liệu em gái tôi có về kịp trước khi tôi nhắm mắt không ? Rồi lại ứa nước mắt kêu tên tôi. Anh Ba ơi, lần đó là lần cuối trong đời anh em mình nói chuyện với nhau, trong điện thoại em đã trấn an anh và khuyên anh phải niệm Phật để được ra đi trong thanh thản. Tuy ở xa nhưng em vẫn nhớ và thương anh. Nợ đời xin gác lại một bên. Kiếp người là phù du, là bể khổ trầm luân. Đời là vô thường. Anh đã nghe lời em để nhắm mắt lìa xa nhân thế. Về bên kia thế giới, anh được hưởng an lành, không phải ngụp lặn mỗi ngày chạy theo sinh kế như em.


Anh đã lận đận lao đao nhiều và lần chót khi về thăm anh, nhìn anh vui vẻ làm thông dịch viên tiếng Pháp cho một doanh nhân, do một người bạn giới thiệu, em mừng cho anh. Thoát đi cảnh đạp xích-lô cơ hàn. Anh tìm lại được phần nào phong độ của người sinh viên Đại Học Khoa Học ngày nào. Anh có nhớ buổi tất niên của trường anh ở Thủ Đức năm 74, anh em mình rất thích nhảy điệu Tango với nhau ? Ít ra trong những ngày tháng cuối cuộc đời anh được mãn nguyện vì tìm được một việc làm không lao lực nhiều, có nhiều tiền và hợp với khả năng của anh.


Bình yên anh nhé, em mong cho anh sớm được siêu sinh nơi miền cực lạc.

Riêng em tiếp tục cầu nguyện cho anh trong cuộc sống mỗi ngày. Tình ruột thịt anh em vẫn khắn khít không đổi thay. Mỗi tối trước khi đi ngủ, em thường ra bàn thờ cắm nhang cho anh được ấm cúng.


Kỷ niệm anh em mình vẫn còn đó, cho em nhớ, em thương về anh.

Anh đã ra đi nhưng anh vẫn còn quanh đây.


NT


Recueils

© 2023 by Alter Band. Proudly created with Wix.com

"

bottom of page