top of page

Lưỡng hổ tranh hùng.

Gaston Lê

MC 75



Có những kỹ niệm chúng ta khó quên. Cho dù ở nơi đâu, lúc nào, kỹ niệm đó vẫn còn mãi trong ký ức. Nhất là khi nó là một nơi dừng lại trong một chặng đường của cuộc đời.


Ngày ấy, tôi không còn nhớ rõ tháng nào, ngày nào. Nhưng “sự cố” xảy ra vào năm 1974, tại Lycée Marie-Curie, Sàigòn.


Tôi là một học sinh lớp Terminale G1 và là một trong những năm nam học sinh, tất cả những học sinh còn lại đều là những nữ anh thư, tiểu thơ mà cũng có những nữ hiệp chuyên “giang hồ hành đạo”, phá phách bạn bè và thầy giáo cũng không thiếu.


Một trong số các cô vang danh lớp chúng tôi thời đó là Nữ hoàng Joséphine Phan thị Ngọc Thọ.


Cô này thì khắp chốn giang hồ võ lâm không ai mà không biết. Cả các ông thầy cũng gờm mặt. Có thể nói khi Phan nữ hiệp đã “chiếu tướng” ai thì người đó khó thoát khỏi !


Ngay cả tôi cũng là một nạn nhân của cái tánh tinh nghịch, rắn mắt của cô ta. Lúc thì cô bày chuyện để phá đám tôi với một cô “bồ hụt” của tôi, không biết cô Joséphine ra độc chiêu gì mà khi chúng tôi đang vui vẻ, sắp tiến đến giai đoạn “thân mật” thì bỗng nhiên cô bồ hụt của tôi giận dữ, không thèm nói chuyện với tôi nữa, mãi đến hơn 30 năm sau, gặp lại Ngọc Thọ mới khai thiệt với tôi là chỉ muốn chọc ghẹo và phá đám … chơi !


Số phận đưa đẩy tôi đến với một cô bạn gái khác cùng chung lớp, lần này thì chúng tôi may mắn hơn, nhưng cái tánh liếng khỉ như Tề Thiên đại thánh cũng đeo đuổi Miss Joséphine. Một hôm tôi thấy cô bồ của tôi chạy hớt ha hớt hải, mặt mày biến sắc. Nhìn lạ mới biết “tiên nữ đại ma đầu” kia đã lượm được một con sâu ở đâu, đem ra rượt đuổi và hù chérie của tôi.


Thật ra, lúc nào tôi cũng quý mến Ngọc Thọ như một cô em gái tuy tinh nghịch nhưng thẳng thắn. Nhưng ngày đó, quả thật, tôi đã nổi trận lôi đình, đùng đùng can thiệp vì nóng ruột cho my lover.


Sau đó không bao lâu, hiệp ước hoà bình được ký kết giữa chúng tôi, tan lớp chúng tôi vẫn trò chuyện vui vẻ. Nhưng nghiệp dĩ của nữ Tề Thiên vẫn chưa hết. Một hôm, trong giờ học tôi nghe tiếng thỏ thẻ của Ngọc Thọ phía sau lưng: “Một lát ra chơi, cầm dùm cặp của moa, để moa cho Ánh Tuyết một trận”.


Khi chuông reng ra chơi, tôi chưa kịp định thần đễ xem việc gì xảy ra thì nữ hiệp Joséphine Ngọc Thọ đã chờ tôi trước cửa lớp. Thế là tôi chỉ kịp ôm chồng tập sách vào tay, thì nữ hiệp nhà ta đã bỏ giày, quấn hai vạt áo dài xong, chưa lên thế thủ đã phi thân như ánh chớp, xuất chiêu gì tôi không rõ, đối thủ của cô là một cô bạn học cùng lớp nho nhỏ, mặc chiếc áo trắng ngắn tay, jupe xanh đậm như dân trường bà soeur, Couvent des oiseaux.


Theo chiến thuật “tiên hạ thủ vi cường”, người nào đánh trước làm cha. Nhưng ở đây, maman này chẳng kém bậc mày râu nào. Ngọc Thọ vừa đáp xuống đất là mái tóc của Ánh Tuyết đã xổ bung ra, xỏa xuống như một đám lá mùa thu rơi rụng khắp sân trường.


Thế là hai con cọp cái Sài thành hầm hừ xông vào, nhe nanh múa vuốt, tung chưởng ra chiêu túi bụi. Cả lớp học và các học sinh khác đi ngang qua, dừng lại cổ võ như xem trận đấu ở sân Tinh Võ tại Chợ Lớn thời đó.


Tôi không hiểu tại sao tôi chỉ đứng làm một khán giả bất đắc dĩ, có lẽ tình huống xảy ra quá nhanh. Và một phần tôi không muốn chen vào việc ân oán giang hồ của cô bạn gái lắm chuyện này.


Trận đấu kết thúc khi một bà giám thị chạy đến, sau khi thu dọn chiến trường, Ánh Tuyết phải lên bệnh xá nhưng cũng không mang nặng chứng tích như kỳ tôi chứng kiến cảnh đánh nhau của một anh bạn thân, cũng nhỏ con, cũng hay bày sự với những người khác. Lúc đó khi giám thị đến thì hai anh bạn này đều đổ máu mũi, phải lên bệnh xá và tôi phải bao che bằng cách nói họ chạy chơi và đụng nhau. Nếu không cả hai phải bị phạt mấy giờ cấm túc.


Tôi không biết sau đó giữa hai cô bạn, đã ký hiệp ước đình chiến lúc nào. Thời gian trôi qua như thoi, trong một đất nước Việt Nam chiến tranh triền miên thì “cuộc chiến chớp nhoáng” này cũng không có gì mới lạ. Cái lạ chỉ là giữa nữ học sinh cũng có những cao thủ không kém gì nam giới.


Và người bạn tôi hằng yêu mến vẫn như thuở nào : vui vẽ dù trải qua bao gian truân, không mất đi nụ cười hồn nhiên ngày nào dù năm tháng chồng chất trên cuộc đời.


Thuở học trò đã qua đi nhưng tâm hồn thư sinh vẫn còn.


Sau một thời gian dài cách biệt, chúng tôi đã gặp lại nhau tại Saìgòn, ngồi đối ẩm ở bến Bạch Đằng, và tôi đã nhắc lại lời an ủi từ Paris, lúc bạn tôi còn “chiến đấu” để sinh tồn trong cuộc sống nơi quê nhà. “Cố gắng lên, đừng bỏ cuộc. Chúng ta sẽ gặp lại tại Sài Gòn hay Paris. Moa tin như thế và quả quyết như vậy !”


Trận tranh hùng ngày xưa đã đi vào dĩ vãng nhưng cuộc chiến sinh tồn của cô em gái tôi vẫn tiếp tục.


Dù có lúc Ngọc Thọ muốn làm Ngũ Mai lão ni, nhưng có lẽ Đức Phật cũng lo sợ cho cô ta vào chùa thì sư tăng, ni cô sẽ cãi nhau thay vì tụng kinh và gõ đầu lẫn nhau thay vì gõ mõ.


Ngọc Thọ muôn đời vẫn là Ngọc Thọ.


Paris, 18/01/2013.


Gaston LÊ.



Recueils
bottom of page